"Không có thực phẩm bẩn, chỉ có thực phẩm không an toàn"
Những ngày gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành mối lo lắng của nhiều người. Vụ việc phát hiện chất Salbutamol (chất tăng trọng) tồn dư trong thức ăn chăn nuôi chưa kịp lắng xuống, người ta lại tiếp tục phát hiện ra măng tươi nhuộm vàng ô (Auramine O - chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm). Hàng loạt những phát hiện liên tiếp khiến từ khóa "thực phẩm bẩn" trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.
Để chống lại nạn buôn bán, sản xuất thực phẩm bẩn, mới đây, Bộ Luật Hình sự được Quốc hội thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/7, quy định cụ thể việc bỏ tù người sản xuất, kinh doanh "thực phẩm bẩn".
Thế nào là thực phẩm bẩn?
Danh từ được sử dụng phổ biến "thực phẩm bẩn" được nhắc đến rất nhiều nhưng có lẽ nhiều người sẽ phải thắc mắc, thế nào là thực phẩm bẩn, làm thế nào để nhận biết được đâu là thực phẩm bẩn và chúng ta, liệu có quy chuẩn nào để đánh giá thực phẩm sạch hay bẩn?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: "Không có khái niệm thực phẩm bẩn, chỉ có thực phẩm an toàn hoặc không an toàn".
Ông Long giải thích, trong các văn bản quy định hiện hành đều không sử dụng khái niệm thực phẩm bẩn. "Đó chỉ là một từ ngữ được sử dụng phổ biến nhưng không phải là cụm danh từ chuẩn nên không thể định nghĩa một cách rõ ràng".
Theo ông Long, mỗi loại thực phẩm đều có quy định riêng về ngưỡng an toàn. Một thực phẩm được đánh giá là không an toàn khi nó chứa các chất gây hại cho sức khỏe.
"Danh mục các chất cấm đã được thông báo công khai trên trang web của Cục an toàn thực phẩm. Tiêu chí đánh giá thực phẩm an toàn hay không dựa vào việc liệu nó có sử dụng vượt ngưỡng cho phép các chất gây hại hoặc chất cấm hay không".
Tại cuộc họp báo, ông Long cũng đưa ra các ví dụ cụ thể. "Chẳng hạn như măng nhuộm vàng ô thì chắc chắn vàng ô là chất cấm và người kinh doanh, sản xuất mặt hàng này sẽ bị xử lý. Nhưng những trường hợp khác như tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, củ thì phải xác minh xem mức độ tồn dư là bao nhiêu, đã vượt ngưỡng an toàn hay chưa thì mới có thể xử lý được. Nếu là tồn dư kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản thì chỉ cần xác minh được là có tồn dư là có thể xử lý vì theo quy định, việc tồn dư kháng sinh là không được phép".
Theo ông Long, thực phẩm không an toàn không thể đơn giản chỉ nhìn bằng mắt thường mà biết được. "Có chăng là kinh nghiệm đi chợ của người tiêu dùng, dựa vào màu sắc, độ đàn hồi để phòng ngừa phần nào nhưng nếu muốn biết chính xác thì vẫn phải nhờ vào việc kiểm tra kỹ càng".
Trả lời về câu hỏi liệu loại thực phẩm nào đang dẫn đầu về nguy cơ tồn dư kháng sinh, ông Long cho rằng vấn đề này hiện đang rất rộng. "Rau, củ, quả thì có khả năng tồn dư chất bảo vệ thực vật. Các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản có khả năng tồn dư kháng sinh. Nhất là tôm, loại thủy sản thường được phát hiện có lượng tồn dư kháng sinh cao".
Phát biểu trong cuộc họp báo về tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2016, ông Long cũng cho rằng, người tiêu dùng nên nêu cao tinh thần cảnh giác, tố giác kịp thời các trường hợp biết chắc người sản xuất, kinh doanh có sử dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh hoặc thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
"Hiện tại đã có que thử nhanh độc tố của thực phẩm và chúng tôi rất khuyến khích người tiêu dùng nên sử dụng chúng để kịp thời nhận biết thực phẩm không an toàn", ông Long nói thêm.
Quy trình kiểm tra "thực phẩm bẩn" có thể mất tới 15 ngày
Để đánh giá thế nào là thực phẩm không an toàn cần có sự kiểm nghiệm, vậy quá trình này thường mất bao lâu, trả lời vấn đề này, PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho rằng, tùy vào mỗi loại thực phẩm, các chất cần xác minh mà có thời gian dài, ngắn khác nhau.
"Chúng tôi thường ưu tiên kiểm tra, xác minh các mẫu thực phẩm đang được các cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và cần có kết quả sớm. Tuy nhiên, thời gian để xác minh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố".
Theo bà Hảo, có những chất chỉ mất nửa ngày có thể phân tích được. "Tuy nhiên nếu liên quan đến việc lên men để tìm ra các mẫu vi sinh vật gây hại thì chúng tôi có thể mất đến 15 ngày để hoàn tất quá trình lên men và phân tích mẫu thực phẩm".
Nguồn tin: Kênh 14
Tin tức khác?
Nguy hại từ các loại thực phẩm gây dị ứng
Nguy hại từ các loại thực phẩm gây dị ứng
Hiện nay số lượng người bị dị ứng...
Dính “thẻ đỏ” vì thiếu dán nhãn chất gây dị ứng
Dính “thẻ đỏ” vì thiếu ghi nhãn chất gây dị ứng chưa bao giờ là vấn đề quá cũ....
Dầu ăn sử dụng một lần nên tái sử dụng hay bỏ đi?
Nhiều cá nhân hay đơn vị cho rằng tái sử dụng dầu ăn đã dùng sẽ tiết kiệm được...
#1 Chuyên cung cấp test nhanh chất gây dị ứng trong thực phẩm (Allergen Analysis) Hygiena Biomedal
KIỂM TRA NHANH HÀM LƯỢNG CÁC TÁC NHÂN CHẤT GÂY DỊ ỨNG✅TRONG THỰC PHẨM (allergen...